Vậy, người Trung Quốc ăn gì vào Trung Thu?
Nội Dung Bài Viết
1. Bánh Trung Thu – món ăn truyền thống
Bánh Trung Thu là món phổ biến, mang đậm phong vị cổ truyền của tết Trung Thu Trung Hoa. Cũng như một số quốc gia Phương Đông, gần đến Rằm Tháng Tám, nhiều loại bánh màu sắc vô cùng bắt mắt, với các loại nhân khác nhau sẽ được bày bán khắp các đường phố lớn và trong các cửa hàng để phục vụ thực khách.
Theo truyền thống, cứ đến dịp tết Trung Thu, mỗi gia đình sẽ tự làm bánh bằng bột mỳ, nhân thập cẩm, lạp xưởng, xá xíu… Thế nhưng, nhịp sống bận rộn ngày nay đã khiến truyền thống ấy dần mai một. Người dân giờ đây thích các loại nhân thanh đạm như đậu xanh, khoai môn hơn là nhân truyền thống.
2. Vịt quay nhiều hương vị
Vịt là món ăn phổ biến thứ hai sau bánh Trung Thu ở Trung Hoa dịp Rằm Tháng Tám. Người dân Trung Quốc tin rằng ăn vịt vào mùa Thu sẽ giúp cân bằng âm và dương. Hơn nữa, hương vị tươi ngon, quyến rũ của món vịt chính là nét hấp dẫn khiến nó trở thành món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc sum vầy.
Mỗi vùng khác nhau ở Trung Quốc lại có các bí quyết riêng để chế biến vịt, nhưng đặc sắc nhất phải kể tới món vịt chiên gừng, vịt nướng Tứ Xuyên hay vịt nấu hoa quế Giang Tô…
3. Bí ngô – tài lộc và sức khỏe
Người Trung Quốc sống ở phía Nam sông Dương Tử có truyền thống ăn bí ngô dịp Tết Trung Thu bởi vì đây cũng là mùa thu hoạch của loại thực phẩm này. Ăn bí ngô vào đúng rằm Trung Thu cũng được cho là mang lại tài lộc cùng sức khỏe cho gia chủ nhờ hình dạng tròn và sắc vàng màu mỡ của quả bí.
4. Ốc sông – hương vị thiên nhiên
Đối với người Quảng Đông, ốc sông thường được nấu kèm dược liệu và gia vị đặc biệt để xua tan mùi tanh khó chịu. Những người lớn tuổi cho biết, chẳng biết từ bao giờ, trên mâm cỗ Trung Thu ở Quảng Đông xuất hiện món ốc sông. Chỉ biết rằng, giờ đây, nó đã trở thành nét văn hóa truyền thống của cả một vùng rộng lớn.
5. Khoai môn – Mang lại may mắn
Truyền thống ăn khoai môn vào Rằm Tháng Tám xuất hiện từ thời nhà Thanh. Người ta quan niệm rằng ăn khoai môn trong Tết Trung Thu có thể xua tan vận rủi, giúp mang lại may mắn và sự giàu có.
Người Trung Quốc yêu thích sự tươi ngon và vị mềm dẻo của loại rau củ này. Một trong những cách chế biến phổ biến nhất ở Trung Quốc cắt khoai thành từng miếng nhỏ, chiên kĩ, rồi phủ xi-rô – một món ăn tuyệt vời với những ai ưa vị ngọt.
6. Rượu hoa quế lên men – Cầu mong một cuộc sống hạnh phúc
Truyền thống uống rượu lên men với hoa quế có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc. Người Trung Hoa cổ đã bắt đầu uống loại rượu này từ cách đây hơn 2.000 năm. Rượu hoa quế ngon nổi tiếng, từng nhiều lần xuất hiện trong thơ Lý Bạch., nhấm nháp chút rượu hoa quế mang ý nghĩa cầu mong đoàn tụ gia đình và một cuộc sống hạnh phúc.
7. Cua lông – vị ngon đặc biệt
Phong tục ăn cua lông trong ngày rằm Tháng Tám đã được duy trì từ lâu tại các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, nơi có nhiều sông, hồ và cua lông là đặc sản. Chỉ đến những năm gần đây, nó mới trở thành món ăn phổ biến trong tiệc Trung Thu ở mọi gia đình miền Nam Trung Quốc.
Duy An
Theo Thể Thao & Văn Hóa